Sữa cho trẻ em cần lượng đạm bao nhiêu..???

Giải đáp vấn đề này, BS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý sản phẩm - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho biết:

- Hiện đang có sự nhầm lẫn tai hại khi áp đặt Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 5-2:2010/BYT (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột) cho các sản phẩm sữa dê Danlait và cho rằng sữa dê Danlait không đạt hàm lượng đạm 34% theo quy định. Trong thực tế, các sản phẩm sữa dê Danlait và các sản phẩm sữa dành cho trẻ em đang tuân theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc các quy chuẩn Việt Nam cho thức ăn công thức dành cho trẻ nhỏ với quy định khác về hàm lượng đạm. 

Hiện chỉ có 4 loại: Sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật phải có hàm lượng đạm 34%. Còn theo quy chuẩn các sản phẩm sữa theo công thức dành cho trẻ đến 36 tháng tuổi, sữa theo công thức với mục đích y tế đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh  có quy định về hàm lượng đạm thấp hơn.

- Người tiêu dùng đang rất băn khoăn nên mua loại sữa có hàm lượng đạm bao nhiêu để phù hợp với sự phát triển của trẻ?

- Khi chọn các sản phẩm sữa, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm phù hợp với độ tuổi sinh lý và thể trạng gầy, béo và khả năng hấp thụ của mỗi trẻ. Nếu tính theo dạng sữa lỏng, hàm lượng đạm trong sữa mẹ khoảng 1,3gr/100ml, sữa bò cao gần gấp 3 lần (3,4gr/100ml). Vì vậy, các loại thức ăn công thức đều có hàm lượng đạm gần giống với sữa mẹ, chứ không cao như sữa bò. 

Cho trẻ ăn chế độ ăn quá nhiều đạm có thể làm tăng tiết một số hormone, nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan béo phì, tăng độ tải thận... Vì thế, trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên dùng sữa bột nguyên kem (nguyên chất béo động vật) cũng như rất cẩn thận khi dùng sữa bột gầy (đã tách béo), dù hàm lượng đạm vẫn đạt 34% theo quy chuẩn.

Với trẻ đã ăn giặm dưới một tuổi (ăn thêm ngoài sữa mẹ), việc dùng các sản phẩm sữa nguyên kem cũng không thích hợp vì ruột còn non yếu, chưa tiêu hóa tốt chất béo bão hòa có nhiều trong sữa động vật. Ðó là lý do tại sao các sản phẩm thức ăn công thức cho trẻ các độ tuổi đều có nguyên liệu chính là sữa gầy bổ sung thêm chất béo thực vật. 

Với các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ, hiểu đúng các nội dung ghi nhãn về thành phần dinh dưỡng cũng như sử dụng chúng một cách hợp lý. 

- Vậy làm thế nào để biết các quy chuẩn đạm của các sản phẩm sữa?

- Theo quy chuẩn, sữa bột nguyên kem (nguyên chất sấy khô từ sữa tươi động vật cho sữa như bò, dê,...): Hàm lượng đạm tối thiểu 34% (theo khối lượng đã tách chất béo). 26gr sữa bột nguyên chất cung cấp 100 kcal. Như vậy, sữa bột nguyên kem có hàm lượng đạm là khoảng 8,84gr/100kcal.

Riêng với thức ăn công thức cho trẻ sơ sinh (0-12 tháng tuổi), hàm lượng đạm từ 1,8-3,0gr/100kcal; thức ăn công thức cho trẻ em 6-36 tháng tuổi với mục đích ăn bổ sung hàm lượng đạm tối thiểu 3,0gr/100kcal. Các quy chuẩn kỹ thuật này tương tự với các tiêu chuẩn của Codex về hàm lượng đạm đối với sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

- Xin cảm ơn ông!
Theo báo người lao động

Comments